NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC BUỘC ĐÁNH GIÁ THƯỜNG XUYÊN MỘT CÁCH NGHIÊM TÚC

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC
BUỘC ĐÁNH GIÁ THƯỜNG XUYÊN MỘT CÁCH NGHIÊM TÚC.
—-

     Bộ Giáo Dục đã ban hành Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 01/9/2020 Để đánh giá học sinh Tiểu học theo lộ trình theo từng năm, từng khối lớp. Đến năm học này thông tư đã áp dụng được 2 năm đánh giá học sinh lớp 1,2 & 3. Các lớp 4 và 5 đánh giá theo Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT ngày 26/ 9/2016 của Bộ giáo dục đào tạo.

Đánh giá là một bộ phận cực kỳ quan trọng không thể tách rời của quá trình dạy học. Đánh giá phải diễn ra trong suốt quá trình hoạt động dạy và học, giúp học sinh nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt đến Yêu cầu cần đạt trong bài học (đối với lớp 1, 2,3) hay Đạt Chuẩn kiến thức kĩ năng (đối với lớp 4,5). Đồng thời giúp giáo viên linh hoạt điều chỉnh hoạt động dạy cũng như giúp học sinh điều chỉnh phương pháp học tập và rèn luyện từng cá nhân. Đánh giá đúng kết quả học tập sẽ thúc đẩy sự phấn đấu học tập của các em.

Để nâng cao chất lượng dạy học thì phải thực hiện tốt nhận xét đánh giá thường xuyên học sinh vì đánh giá đúng và kịp thời là một yếu tố rất quan trọng, khơi dậy được sự đam mê hứng thú trong học tập, phát huy tốt phẩm chất năng lực từng đối tượng học sinh.

Vai trò của việc đổi mới đánh giá cực kỳ quan trọng. Nó sẽ thúc đẩy việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, từ đó chất lượng giáo dục sẽ nâng cao. Muốn đạt được mục tiêu này thì người giáo viên phải hiểu được quan điểm, mục đích, nội dung, phương pháp đánh giá. Giáo viên nắm vững Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 01/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT ngày 26/ 9/2016 của Bộ giáo dục đào tạo. Nghiên cứu và triển khai hiệu quả Sách Hỏi đáp về đánh giá học sinh tiểu học của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

     Chú tâm đến việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học nhằm phân tích ưu điểm, hạn chế tiết dạy, tập trung tư vấn cho giáo viên cách đánh giá thường xuyên học sinh phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản, đó là: Tính giá trị, tính toàn diện và linh hoạt, tính công bằng và tin cậy, đánh giá cần quan tâm đến cả kết quả và những trải nghiệm của học sinh. Để cải thiện kết quả, giáo viên cần phải biết được năng lực của từng học sinh, từ đó xác định được hiệu quả, phát huy khả năng tự cải thiện của từng em. Qua buổi sinh hoạt tôi bồi dưỡng cho giáo viên những năng lực đổi mới nhận thức, tiếp cận với những quan điểm mới về đánh giá học sinh. Sau đó nâng cao năng lực để có thể sử dụng tốt một số phương pháp, kĩ thuật và công cụ đánh giá như phương pháp quan sát; phương pháp đánh giá qua sản phẩm học tập, hoạt động của học sinh; phương pháp vấn đáp; phương pháp kiểm tra viết…

 Giáo viên đổi mới tư duy đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực của người học.

Đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực người học là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập và rèn luyện của các em, giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực, đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh. Chính vì mục tiêu này nên tôi đã chỉ đạo giáo viên cần thay đổi tư duy về đánh giá học sinh, trong đó nhấn mạnh vào mục tiêu giúp đỡ, hỗ trợ học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức, từng bước hình thành năng lực học tập cần thiết theo mục tiêu giáo dục. Bên cạnh đó tôi luôn đồng hành và hỗ trợ giáo viên như đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi tư duy đánh giá, hình thành và phát triển nhân cách và các giá trị sống cho học sinh như tự tin, tự trọng, hợp tác, chia sẻ, đề xuất và giải quyết vấn đề…

     Khi hỏi Thế nào là đánh giá thường xuyên thì đa số trả lời rất tốt vì ở Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT và Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT đã hướng dẫn rất cụ thể, nhưng khi hỏi Vì sao phải đánh giá thường xuyên? Đánh giá thường xuyên mang lại lợi ích gì? thì còn nhiều giáo viên gặp khó khăn, chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. Là giáo viên nắm rõ vấn đề. Đánh giá thường xuyên sẽ giúp học sinh kịp thời thấy được bản thân đã tiếp thu bài học ở mức độ nào, những gì nên phát huy, những gì cần cố gắng sửa chữa. Qua đánh giá thường xuyên giáo viên kịp thời phát hiện được khả năng học tập của học sinh, cũng như kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những học sinh khó khăn trong học tập cho trong từng giờ học. Đánh giá thường xuyên còn giúp giáo viên cải tiến, điều chỉnh nội dung phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh trong lớp. Nhờ đó, học sinh sẽ có ý thức và hứng thú học tập tốt hơn, từng bước hình thành những phẩm chất và năng lực cần thiết cho việc hình thành nhân cách và giá trị sống. Bên cạnh đó tôi cũng lưu ý với giáo viên trong đánh giá thường xuyên bằng nhận xét sẽ giúp học sinh có động cơ học tập, khi học sinh nhận được những lời nhận xét tích cực, cùng sự hỗ trợ cụ thể, tận tình của giáo viên các em sẽ tìm thấy niềm vui, sự thành công dù là nhỏ, từ đó chắc chắn học sinh có niềm tin, hứng thú với học tập, có động cơ học tập tốt. Trong dạy học cần phát huy tối đa năng lực của từng em, muốn đạt được điều này thì giáo viên phải biết cách nhận xét bằng lời nói trực tiếp hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được, mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức, mức độ thành thạo các thao tác, kĩ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu bài học, hoạt động giáo dục. Khi nhận xét giáo viên cần đặc biệt quan tâm động viên kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên, tránh làm cho học sinh tự ti, mặc cảm, xấu hỗ…

     Giáo viên rèn cho học sinh kĩ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau.

Giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia nhận xét và đánh giá

     Rèn học sinh có kĩ năng tự đánh giá và đánh giá bạn, không phải dễ đối với học sinh tiểu học, nên đòi hỏi người giáo viên phải nhẫn nại, kiên trì thực hiện thường xuyên trong các hoạt động dạy và học, để học sinh biết đánh giá lẫn nhau, giáo viên cần đưa ra quy trình hoặc tiêu chí để các em có cơ sở thực hiện. Trong quá trình trao đổi với bạn, chính là lúc các em có điều kiện chia sẻ kết quả học tập, giúp các em rèn luyện năng lực giao tiếp, hợp tác, tự tin, …Sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập được giao, học sinh đối chiếu kết quả học tập của mình với yêu cầu của nhiệm vụ học tập để xem mình làm đúng theo yêu cầu chưa và đã đạt được đến mức nào, những yêu cầu nào đã đạt, những yêu cầu nào chưa đạt, yêu cầu nào còn khó khăn để từ đó tìm cách hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình trao đổi nhận xét lẫn nhau nếu thấy cách giải quyết hoặc kết quả giải quyết vấn đề của bạn hay hơn thì có thể học theo, làm theo. Chia sẻ kết quả bài làm, sản phẩm học tập cùng bạn điều này giúp học sinh:

     – Khi học sinh tự nhận xét, các em có cơ hội suy ngẫm, kiểm tra lại sản phẩm học tập của mình, tự nhìn nhận quá trình làm ra sản phẩm để điều chỉnh, đặt ra cho mình những nhiệm vụ học tập tiếp theo để hoàn thành nhiệm vụ học tập và ngày càng tiến bộ hơn. Tự nhận xét sẽ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực tự học và phẩm chất tự tin.

       – Học sinh tham gia góp ý, nhận xét bài làm của bạn ngay trong quá trình học sẽ giúp các em được rèn luyện và phát triển năng lực hợp tác và giao tiếp, tự kiểm tra, phát triển tình đoàn kết, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, động viên bạn phấn đấu cùng tiến bộ, hỗ trợ bạn học tập và có cơ hội xem xét lại kết quả bài làm của chính mình.

      Khuyến khích cha mẹ học sinh tham gia đánh giá học sinh một cách hiệu quả.

     Giáo viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu rõ những quan niệm, cách thức mới của hoạt động đánh giá học sinh, nhất là hoạt động đánh giá thường xuyên trên lớp để tạo được sự đồng thuận và phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh trong việc giúp đỡ hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện. Hướng dẫn cha mẹ học sinh có thể tham gia đánh giá, nhận xét, hỗ trợ học sinh thông qua các hoạt động như trao đổi với con về nội dung học tập ở lớp và ở nhà; quan sát theo dõi con em học tập; học cùng con em; thông tin với giáo viên qua điện thoại, gặp trực tiếp, ghi lại hình ảnh học sinh học ở nhà cho giáo viên biết. Để có sự phối hợp tốt ấy thì các bên đều phải chủ động, tận dụng các cơ hội để trao đổi, chia sẻ để cùng hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh hoạt, học tập, tính cách của học sinh. Các yêu cầu và nội dung, tiến độ, cách thức dạy học ở trường, cách thức quan sát, hỗ trợ, động viên con em học tập ở nhà.

     Khi cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá họ sẽ biết những điểm mạnh, điểm hạn chế của con em mình để động viên hoặc giúp đỡ con em tiến bộ kịp thời. Biết được những thông tin về nhà trường, mục tiêu, nội dung, phương pháp học tập, từ đó biết cách quan tâm, hỗ trợ nhà trường, hỗ trợ việc học tập của con em. Từ phương pháp như thế thì tình hình đánh giá học sinh của giáo viên sẽ vô cùng thuận lợi, giáo viên có rất nhiều kênh thông tin về học sinh của mình để có những giải pháp hữu hiệu trong dạy học và rèn luyện học sinh./.

Tác giả : Nguyễn Phước Sang – Phó Hiệu trưởng